Krishnamurti Subtitles home


AM81T1 - Tư tưởng và thời gian là gốc rễ của sợ hãi
Buổi nói chuyện trước công chúng thứ 1
Amsterdam, Hà Lan
Ngày 19 tháng 9 năm 1981



1:30 Rất tiếc là chỉ có 2 buổi nói chuyện vì thế chúng ta phải cô đọng cái cần nói về toàn thể cuộc sống. Chúng tôi không đang tuyên truyền gì cả, không thuyết phục các bạn suy nghĩ theo hướng riêng biệt nào, cũng không làm cho các bạn tin về bất cứ điều gì. Chúng ta phải rất rõ ràng về điều đó. Chúng tôi không đem thứ gì đặc dị từ phương Đông tới, những thứ vô nghĩa ấy cứ tiếp diễn vì quyền lợi của những guru và những ai viết những điều lạ lùng sau khi viếng thăm Ấn Độ. Chúng tôi không hề thuộc về đám đông ấy. Nhưng chúng tôi muốn chỉ ra trong hai buổi đàm thoại này là chúng ta cùng nhau tư duy, chứ không chỉ lắng nghe bài nói, lắng nghe vài ý niệm, đồng ý hay không đồng ý với những ý niệm đó, chúng ta không tạo ra tranh luận, ý kiến, đánh giá nào cả, mà cùng nhau - tôi muốn nói là cùng nhau, các bạn và người nói, sẽ quan sát thế giới trở nên ra sao, không chỉ ở thế giới Tây phương mà còn ở Đông phương nơi đầy đói nghèo, đầy đau khổ, dân số đông đúc, nơi các chính trị gia, cũng như ở phương Tây này, không có khả năng giải quyết chuyện đang diễn ra. Họ là những nhà chính trị tư duy theo chủ nghĩa bộ lạc. Chủ nghĩa bộ lạc đã trở thành chủ nghĩa dân tộc vinh quang. Chúng ta do đó không thể dựa vào chính trị gia hay nhà lãnh đạo nào, hay bất kỳ sách vở nào viết về tôn giáo. Chúng ta không thể dựa dẫm vào những người này, cả những khoa học gia, nhà nghiên cứu sinh vật cũng như nhà tâm lý học. Họ không thể giải quyết được những vấn đề của con người chúng ta. Tôi chắc là các bạn đồng ý với điều này. Chúng ta cũng không thể lệ thuộc bất kỳ vị guru nào. Đáng tiếc, những ông này đến phương Tây lợi dụng người ta, trở nên giàu sụ, và họ chẳng làm bất kỳ điều gì với tôn giáo cả.
5:48 Tuy nói thế, nhưng điều quan trọng là chúng ta, các bạn và người nói, cùng suy nghĩ với nhau. Chúng tôi muốn nói cùng nhau suy nghĩ là không chỉ chấp nhận ý kiến hay đánh giá nào mà cùng quan sát không chỉ phía bên ngoài - tức là cái đang diễn ra trên thế giới - lẫn cái đang xảy ra ở nội tâm với tất cả chúng ta, thuộc về tâm lý. Bên ngoài, ngoại giới hết sức bất ổn, rối ren, chiến tranh, hay đe dọa chiến tranh. Nhiều cuộc chiến đang tiếp diễn ở nhiều nơi trên thế giới, loài người đang giết nhau. Không chỉ xảy ra ở phương Tây này, nhưng còn sự đe dọa của cuộc chiến hạt nhân, bom đạn và sự chuẩn bị cho chiến tranh. Chúng ta, những người bình thường dường như không thể làm được gì về chuyện này cả. Những cuộc biểu tình, chủ nghĩa khủng bố, tuyệt thực v.v... Đây là cái đang thực diễn ra nơi thế giới bên ngoài; bộ lạc này chống lại bộ lạc khác; phương Tây, Mỹ chống lại nước khác... Những khoa học gia đang góp phần vào đó, những triết gia, dù họ có thể lên tiếng phản đối nhưng về nội tâm họ vẫn tiếp tục với chủ nghĩa dân tộc, tùy theo nghề nghiệp riêng của họ... Đó là cái thực sự đang diễn ra ở ngoại giới, điều mà bất kỳ ai có chút nhạy bén đều có thể quan sát.
8:59 Và ở phía trong, trong tâm thức của mình, chúng ta cũng rất rối ren. Không hề có an toàn, có lẽ không chỉ bản thân chúng ta mà còn cả tương lai, thế hệ tương lai của chúng ta nữa. Những tôn giáo đã chia rẽ loài người thành ra người Công giáo, người Ấn giáo, người Hồi giáo, Phật tử...
9:50 Xem xét mọi điều này, nhìn một cách khách quan, điềm tĩnh, không kèm theo thành kiến nào, quan sát, tất nhiên điều quan trọng là chúng ta cùng suy tư về tất cả điều này. Cùng nhau suy nghĩ. Không có ý kiến này đối lập với ý kiến khác; hay kết luận này đối nghịch kết luận kia, lý tưởng này chống lý tưởng nọ; mà hãy suy nghĩ cùng nhau và thấy ra điều con người chúng ta có thể làm. Khủng hoảng không ở giới kinh tế, cũng không nơi giới chính trị, mà khủng hoảng nằm trong ý thức của chúng ta. Tôi cho là rất ít trong chúng ta nhận ra điều đó. Khủng hoảng nằm trong tâm, trong não của chúng ta. Nghĩa là khủng hoảng trong ý thức mình. Ý thức chúng ta là toàn bộ cuộc sống của chúng ta, với những niềm tin, những kết luận, với chủ nghĩa dân tộc của chúng ta, với những sợ hãi ta có, những lạc thú, những phiền muộn chừng như không thể hóa giải, điều chúng ta gọi là tình yêu, từ ái, chuyện về cái chết, và cái ở đó nếu có thứ gì ở kiếp sau, vấn đề thiền định, và liệu có cái gì siêu việt thời gian, nằm ngoài tư tưởng, có gì là vĩnh cửu hay không. Đó là nội dung ý thức của chúng ta. Đó là nội dung của mỗi con người, dù họ sống ở nước này hay ở châu Á, ở Ấn, Mỹ hay Nga. Nội dung ý thức của chúng ta là nền tảng chung của toàn nhân loại. Tôi nghĩ điều này phải được làm rõ ràng ngay từ lúc bắt đầu.
13:47 Bởi một người sống ở nơi này, anh ta đau khổ, không chỉ về thân thể mà còn ở nội tâm. Anh ta lo âu, bất định, sợ hãi, rối ren, lo lắng, không có cảm giác an toàn sâu xa. Cũng vậy ở châu Á, với mọi người ở đó, Ở Ấn, ở Mỹ hay ở Nga cũng như nhau. Thế nên ý thức của chúng ta là chung đồng cho toàn nhân loại. Xin hãy lắng nghe điều này. Các bạn có thể nghe điều này lần đầu tiên và xin đừng chối bỏ nó. Hãy cùng tra xét nó, hãy cùng suy nghĩ về nó. Không phải khi bạn về nhà mà ngay lúc này. Ý thức của bạn - cái bạn nghĩ, điều bạn cảm nhận, những phản ứng, sự lo lắng, sự cô đơn, phiền muộn của bạn, nỗi đau của bạn, sự tìm kiếm điều gì không chỉ thuộc về vật chất mà vượt ra ngoài mọi tư tưởng - thì cũng y như một người sống ở Ấn, Nga hay Mỹ. Họ trải qua những vấn đề y như các bạn, những vấn đề về mối quan hệ như nhau với người khác, với người nam, người nữ. Vậy tất cả chúng ta cùng đứng trên một nền tảng như nhau là ý thức. Ý thức của chúng ta là chung đối với mọi người. Và do đó chúng ta không phải là những cá nhân. Xin hãy xem xét điều này. Chúng ta được đào tạo, giáo dục, thuộc về tôn giáo cũng như sách vở, rằng ta là những linh hồn riêng biệt, những cá nhân, phấn đấu vì bản thân, nhưng đó là một ảo tưởng bởi ý thức của chúng ta là chung cho toàn nhân loại. Chúng ta là nhân loại. Chúng ta không phải là những cá nhân biệt lập chiến đấu vì bản thân. Điều này rất logic, có lý và đúng mực. Vậy chúng ta không phải là những thực thể tách biệt với nội dung tâm lý riêng, đang đấu tranh cho chính mình. Mà chúng ta, mỗi người trong chúng ta thực sự là phần nhân loại còn lại.
17:57 Có lẽ các bạn sẽ chấp nhận nó ở khía cạnh trí thức, nhưng nếu bạn cảm thấy điều ấy sâu sắc, thì toàn bộ hoạt động của chúng ta trải qua một sự biến đổi tận gốc. Đó là vấn đề đầu tiên chúng ta phải cùng suy nghĩ: rằng ý thức của chúng ta, cách ta nghĩ, lối ta sống, có lẽ tiện nghi, dư dả hơn, cùng phương tiện đi lại tốt hơn... ngoài ra, về nội tâm, về tâm lý, các bạn giống y như những người sống cách xa hàng ngàn dặm.
19:19 Vậy chúng ta phải cùng suy nghĩ những vấn đề này với nhau. Trước hết, vấn đề về mối quan hệ: Toàn bộ cuộc sống là sự tương giao, chính sự sống là liên quan nhau. Và khi bạn quan sát cái chúng ta đã làm với mối tương giao của mình với người, dù có thân mật hay không, dù giữa hai người với nhau, giữa nam và nữ, trong mối quan hệ đó có xung đột đấu tranh dữ dội - tại sao? Tại sao nhân loại đã sống trên triệu năm, vẫn không giải quyết được vấn đề mối quan hệ này? Nghĩa là hai người sống với nhau không xung đột. Dường như ta chưa giải quyết được nó. Vậy nếu chúng ta sáng nay có lẽ trong khoảng 1 giờ, cùng suy nghĩ về nó. Hãy cùng quan sát một cách thực sự mối quan hệ giữa người nam và người nữ là, bởi toàn xã hội đặt cơ sở trên mối quan hệ. Không có xã hội nếu không có mối quan hệ, xã hội khi ấy trở nên một thứ trừu tượng. Vậy chúng ta nên cùng nhau, trong sáng nay, cùng xem xét những mối tương giao của chúng ta thực sự là gì.
21:51 Nếu ta quan sát nó thật kỹ, có sự xung đột giữa người nam và người nữ. Người nam có những lý tưởng riêng, theo đuổi riêng, tham vọng riêng, anh ta luôn tìm kiếm thành công, để là ai đó trên đời. Và người nữ cũng đang đấu tranh, cũng muốn là ai đó, muốn thỏa mãn, trở thành. Mỗi người theo đuổi hướng riêng mình. Nó như 2 đường ray song song không bao giờ gặp, có lẽ trên giường nhưng theo cách khác, nếu bạn quan sát kỹ họ không bao giờ gặp nhau thật sự, về tâm lý, về nội tâm - tại sao? Đó là câu hỏi. Khi ta hỏi tại sao, ta luôn hỏi về nguyên nhân, chúng ta nghĩ về quan hệ nhân quả, hy vọng bằng cách ấy nếu ta có thể hiểu được nhân thì có lẽ chúng ta sẽ thay đổi được quả. Giờ tôi có thể hỏi không - hy vọng tất cả các bạn hiểu Anh ngữ. Nếu không tôi chỉ nói với mình, vậy thì quá ngớ ngẩn. Ông ấy đã không ở đất nước này 10 năm rồi và thấy vui khi trở lại đây, nhưng nếu chúng ta không hiểu Anh ngữ thì tôi sợ rằng không thể thông tri được. Nên hy vọng các bạn hiểu Anh ngữ càng rõ càng tốt. Rất tiếc, ông ấy có thể nói tiếng Pháp hay Ý nhưng như thế thì khó như nhau.
24:53 Vậy chúng tôi sẽ hỏi một câu hỏi rất đơn giản nhưng cũng rất phức tạp: tại sao con người chúng ta đã không thể giải quyết vấn đề về mối quan hệ này dù chúng ta đã sống trên trái đất cả hơn triệu năm? Có phải là bởi mỗi người có hình ảnh của riêng mình được nhóm họp bởi suy nghĩ, và mối quan hệ của chúng ta chỉ dựa trên 2 hình ảnh: hình ảnh mà người nam tạo ra về người nữ và hình ảnh người nữ tạo ra về anh ta? Vậy chúng ta trong mối quan hệ này: hai hình ảnh sống với nhau. Đó là 1 thực kiện. Nếu các bạn quan sát thật kĩ bản thân, nếu ta có thể chỉ ra, bạn đã tạo 1 hình ảnh về cô ấy, và cô ấy đã tạo một bức tranh, một cấu trúc bằng từ về bạn, người nam. Vậy mối quan hệ là giữa hai hình ảnh này. Những hình ảnh này đã được đặt cạnh nhau bởi tư tưởng. Và tư tưởng thì không liên quan gì đến tình yêu.
26:55 Tư tưởng có phải là yêu không? Mọi ký ức về mối quan hệ với nhau, sự hồi tưởng, những hình ảnh, những kết luận về nhau, - nếu ta quan sát thật kỹ mà không có định kiến nào - chúng là sản phẩm của tư tưởng, và kết quả của những ký ức khác nhau, những kinh nghiệm, sự cáu tức, nỗi cô đơn. Vậy mối quan hệ của chúng ta với nhau không phải là tình yêu mà là hình ảnh mà tư tưởng đã nhóm họp với nhau.
28:03 Vậy chúng ta phải tra xét, nếu ta muốn thấu hiểu sự thực về mối quan hệ, chúng ta phải thấu hiểu toàn bộ chuyển động của tư tưởng bởi vì ta sống bằng tư tưởng, mọi hoạt động của ta dựa trên tư tưởng; mọi kiến trúc vĩ đại trên thế giới được dựng lên bởi tư tưởng, mọi thánh đường, nhà thờ, đền đài và nhà thờ Hồi giáo được hình thành bởi nghĩ tưởng, được xây dựng bởi tư tưởng. Cái gì bên trong những kiến trúc tôn giáo này - cái bên trong, những nhân vật, biểu tượng, hình ảnh - tất cả đều là những phát minh của tư tưởng. Điều ấy không thể chối cãi được. Tư tưởng không chỉ tạo ra những công trình kiến trúc tuyệt vời nhất và nội dung của những công trình đó, nhưng nó cũng tạo ra những khí giới chiến tranh, bom đạn, rất nhiều thể loại bom. Tư tưởng cũng kết tạo nên nhà phẫu thuật, những dụng cụ thật tuyệt, thật tinh tế trong nghề phẫu thuật. Và tư tưởng cũng tạo dựng nên người thợ mộc. Anh ta hẳn là học về gỗ, các dụng cụ v.v... Vậy tư tưởng đã làm tất cả điều này. Nội dung của nhà thờ và nhà phẫu thuật, người kỹ sư lão luyện xây nên một cây cầu đẹp, tất cả là kết quả của tư tưởng. Không có gì bác bỏ được điều ấy dù ta có tranh luận đến đâu đi nữa. Vậy ta phải xem xét tư tưởng là gì, tại sao con người sống trên tư tưởng, tại sao tư tưởng lại đem đến rối loạn trên thế giới như thế - chiến tranh, thiếu thốn quan hệ với nhau, khả năng to lớn của tư tưởng cùng năng lượng phi thường của nó. Và cũng vậy điều tư tưởng đã làm suốt triệu năm, đem khổ đau đến cho con người. Xin hãy cùng quan sát, cùng quan sát với nhau. Đừng phản đối điều diễn giả đang nói mà hãy xem xét nó, điều ông ta nói cùng chúng ta để rồi chúng ta thấu hiểu cái đang thực xảy ra với toàn nhân loại. Chúng ta đang hủy hoại chính mình.
32:12 Vậy chúng ta phải xem xét thật cẩn trọng vấn đề tư tưởng. Tư tưởng là phản ứng của ký ức. Ký ức không chỉ là nhớ lại những gì ở quá khứ mà tư tưởng còn phóng chiếu bản thân nó thành hy vọng ở tương lai. Vậy tư tưởng là phản ứng của ký ức, ký ức là kiến thức, kiến thức là kinh nghiệm. Tức là có kinh nghiệm, từ kinh nghiệm mới có kiến thức, từ kiến thức có ký ức, hay hồi tưởng, và từ ký ức bạn hành động. Rồi từ hành động đó bạn học, tức là kiến thức sâu hơn. Vậy chúng ta sống trong chu kỳ này - kinh nghiệm, kiến thức, ký ức, tư tưởng, hành động. Nhân loại sống trong chu kỳ này, luôn luôn sống trong phạm vi của kiến thức. Tôi hy vọng điều này không khiến các bạn chán. Tôi lấy làm tiếc nếu các bạn chán. Nếu bạn muốn điều gì đó lãng mạn, ủy mị, điều gì làm mình vui thì mong bạn đừng nghe nữa. Tuy nhiên điều chúng ta đang nói đây thật sự nghiêm túc. Nó không phải thứ dành cho ngày cuối tuần, nghe cho vui tai bởi chúng ta đang quan tâm đến đổi thay gốc rễ của ý thức nhân loại. Vậy chúng ta phải suy tư về tất cả, cùng quan sát, xem có thể không, tại sao nhân loại đã sống trên hành tinh này bao nhiêu triệu năm rồi mà vẫn như chúng ta hiện giờ. Chúng ta có thể đã tiến bộ về công nghệ kỹ thuật, truyền thông tốt hơn, vận tải tốt hơn, vệ sinh dịch tễ ..., nhưng còn nội tâm chúng ta ít nhiều vẫn như nhau: bất hạnh, bất định, cô đơn, mang vác gánh muộn phiền không dứt. Và bất kì ai nghiêm túc khi đối mặt với thử thách này đều phải đáp ứng, anh ta không thể đón nhận thờ ơ, rồi quay lưng với nó. Đó là lý do tại sao buổi gặp mặt này và sáng mai thật hệ trọng bởi chúng ta phải dùng tâm và trí của mình để khám phá ra liệu có thể xuất hiện cuộc đổi thay tận gốc trong ý thức chúng ta và do vậy cũng là trong hành động và cư xử của chúng ta.
35:53 Vậy như đã nói, tư tưởng thoát thai từ kinh nghiệm, kiến thức và do đó tư tưởng dù thế nào cũng chẳng có gì thiêng liêng cả. Nó thiên về vật chất, sự suy nghĩ là một diễn trình thuộc về vật chất. Và chúng ta phụ thuộc vào đó, vào tư tưởng để giải quyết mọi vấn đề của mình, về chính trị, tôn giáo, mối quan hệ... Và não bộ, tâm thức của chúng ta bị tập nhiễm, được rèn luyện để giải quyết những vấn đề. Tư tưởng đã tạo ra vấn đề và rồi não bộ và tâm thức chúng ta, được huấn luyện để giải quyết chúng. Nếu bạn có một vấn đề kĩ thuật bạn giải quyết nó, một vấn đề về bệnh tật, ta giải quyết nó... Tâm thức của chúng ta được đào luyện để giải quyết những vấn đề. Những vấn đề này đã được tư tưởng tạo nên về mặt tâm lý, nội tâm. Các bạn có theo sát cái đang diễn ra không? Tư tưởng tạo nên vấn đề về tâm lý và tâm thức được đào luyện để giải quyết những vấn đề, vậy là tư tưởng tạo nên vấn đề, rồi tư tưởng lại cố gắng giải quyết vấn đề. Thế thì nó mắc kẹt trong cùng một diễn trình, lề thói cũ. Rồi những vấn đề ngày càng trở nên phức tạp, càng không thể hóa giải. Thế nên chúng ta phải tìm ra liệu có thể nào, liệu có một lối tiếp cận đời sống nào khác hay không, không qua tư tưởng bởi vì nó đã không giải quyết được những vấn đề của chúng ta. Trái lại, tư tưởng còn đem lại rắc rối hơn nhiều. Chúng ta phải cùng nhau tìm xem liệu có khả dĩ hay bất khả, có một chiều kích khác, một lối tiếp cận đời sống khác biệt hay không? Và đó là lý do tại sao việc thấu hiểu bản chất của tư tưởng, bản chất suy nghĩ của mình thật là hệ trọng. Suy nghĩ của chúng ta dựa trên trí nhớ, hồi tưởng những điều đã qua. Ấy là suy nghĩ về cái đã xảy ra tuần trước, nghĩ ngợi về nó, chỉnh sửa trong hiện tại và phóng hiện thành tương lai. Đây là chuyển động của cuộc sống chúng ta, là một thực tế. Kiến thức đã trở nên quá quan trọng với chúng ta, nhưng kiến thức không bao giờ là trọn vẹn. Kiến thức về bất cứ điều gì luôn là bất toàn, luôn là chưa đầy đủ. Do đó kiến thức luôn đi kèm với vô minh, kiến thức luôn sống trong bóng tối của vô minh. Đó là một thực kiện. Nó không phải là phát minh hay kết luận của người nói, mà nó là thế.
40:11 Vậy tình yêu không phải là kiến thức. Tình yêu không phải là tưởng nhớ. Tình yêu không phải là khát khao hay lạc thú. Khát khao, lạc thú, tưởng nhớ được đặt nền móng trên tư tưởng. Mối quan hệ của chúng ta với người khác, dù cho thân thiết, gần gũi ra sao, nếu bạn nhìn nó thật kĩ, thì nó đều dựa trên hồi ức, vốn là tư tưởng. Vậy thực sự, trong mối quan hệ đó, dù bạn có thể nói bạn yêu vợ hay chồng bạn, hay bạn gái của bạn..., nó thực sự đặt cơ sở trên sự hồi tưởng, tức là tư tưởng. Do đó trong đó không có yêu thương. Các bạn có thực sự thấy thực kiện đó không? Hay ta lại nói, "Ông đang nói những điều thật kinh khủng. Tôi thực sự yêu vợ tôi" - nhưng có thật vậy không? Có thể nào có yêu thương khi có ghen tuông, sở hữu, ràng buộc, khi mỗi người đều đang theo đuổi tham vọng riêng, tham lam, đố kỵ, cai quản, giống như hai đường thẳng song song chẳng bao giờ gặp. Đó là yêu ư? Nên ta phải xét xem nếu ta định theo đuổi vấn đề của cuộc sống một cách nghiêm túc, sâu sắc, ta hẳn phải thẩm tra xem dục vọng là gì. Tại sao con người lại bị dục vọng sai khiến. Diễn giả có thể tiếp tục tất cả chuyện này không? Xin thứ lỗi, các bạn phải chịu đựng nó, nhưng đây là lỗi của bạn khi bạn ở đây! Và có lẽ cũng là lỗi của người nói nữa! Tôi mong chúng ta cùng suy nghĩ, cùng quan sát, như hai người bạn thả bước dọc con đường và nhìn ngắm xung quanh, không chỉ cái ở thật gần, cái lĩnh hội được tức thời, mà cả cái ta thấy ở đàng xa, bởi vì chúng ta đang bước cùng nhau, có thể một cách trìu mến, tay trong tay, hoặc như hai người bạn thân tình, xem xét vấn đề cuộc sống hết sức phức tạp này mà không có ai là lãnh đạo, là đạo sư, bởi vì khi ta thực sự thấy rằng ý thức của chúng ta là ý thức của phần nhân loại còn lại thì chúng ta vừa là sư vừa là đệ, là thầy cũng như là trò, bởi chúng ta là tất cả điều đó, tất cả đều trong ý thức của chúng ta. Đó là một sự tỏ ngộ dữ dội. Để rồi khi ta bắt đầu thấu hiểu bản thân một cách thâm sâu ta trở thành ngọn đuốc cho chính mình và không phụ thuộc vào bất cứ ai, vào bất cứ kinh sách, bất cứ thẩm quyền nào, kể cả của người nói, để mà chúng ta có khả tính thấu hiểu trọn vẹn vấn đề cuộc sống này và là ánh sáng cho chính ta.
45:30 Vậy chúng ta phải cùng xem xét dục vọng, bởi vì nếu dục vọng là tình yêu thì dục vọng tạo nên những vấn đề. Tình yêu không có những vấn đề, và để hiểu bản chất của tình yêu, lòng trắc ẩn cùng sự thông tuệ của nó, chúng ta hẳn phải cùng nhau thấu hiểu dục vọng là gì. Dục vọng có sức sống mãnh liệt, có sức thuyết phục, sự nỗ lực, sự thành tựu phi thường, và toàn bộ diễn trình trở thành, thành công đặt cơ sở trên dục vọng - dục vọng khiến ta so sánh với kẻ khác, bắt chước, tuân phục. Vậy nên trong việc thấu hiểu toàn bộ bản chất của chính mình, điều quan trọng là thấu hiểu dục vọng là gì, mà không đè nén nó, không chạy trốn khỏi nó, không vượt qua nó, mà là thấu hiểu được nó, ngắm nhìn nó, thấy được toàn bộ chuyển động của nó. Chúng ta có thể cùng thực hiện điều đó, nó không có nghĩa rằng bạn đang học từ diễn giả. Người nói không có gì để dạy bạn. Xin hãy thấy rõ. Người nói chỉ đang đóng vai trò như một tấm gương, trong đó bạn có thể thấy chính mình. Và rồi khi bạn thấy bản thân rõ ràng, bạn có thể bỏ gương đi, nó không quan trọng gì, bạn có thể đập bỏ nó.
47:48 Vậy để thấu hiểu dục vọng đòi hỏi sự chú tâm, nghiêm túc, nó là một vấn đề hết sức phức tạp. Tại sao nhân loại sống trên năng lượng dục vọng to lớn như năng lượng của tư tưởng. Mối quan hệ giữa tư tưởng và dục vọng là gì? Mối quan hệ giữa dục vọng và ý chí là gì? Bởi vì chúng ta sống bằng ý chí rất nhiều, Vậy sự vận hành, nguồn gốc, căn nguyên của dục vọng là gì? Nếu ta quan sát bản thân ta sẽ thấy cái căn nguyên, khởi nguồn của dục vọng bắt đầu bởi cảm giác, những phản ứng thuộc giác quan, những đáp ứng của giác quan với sự tiếp xúc của nó, cảm giác, rồi tư tưởng tạo nên hình ảnh, và khoảnh khắc đó dục vọng bắt đầu. Xin quan sát nó thật kỹ. Ta thấy điều gì đó ở cửa sổ, áo choàng, áo sơ mi, chiếc xe hơi, khăn quàng cổ, bất cứ nó là gì - nhìn, cảm giác, rồi xúc chạm nó, và rồi tư tưởng nói, "Nếu tôi mặc cái áo váy hay chiếc sơmi đó vào thì trông sẽ thật tuyệt"- nó tạo ra hình ảnh, và dục vọng bắt đầu. Phải không? Các bạn theo sát điều này chứ? Thấy nó cho chính mình, nó khá đơn giản. Bạn thấy cái gì đó rất đẹp, có cảm giác được tạo ra qua những đáp ứng thuộc thần kinh, đáp ứng thuộc thị giác, rồi tư tưởng nói, “Tôi sẽ thật tuyệt với cái váy đó, hay cái áo sơ mi, chiếc áo choàng” hay bất cứ nó là gì, rồi dục vọng khởi lên. Vậy mối quan hệ giữa dục vọng và tư tưởng rất gần gũi. Nếu không có tư tưởng thì sẽ chỉ có cảm giác – không phải tất cả những vấn đề đều được dục vọng tạo ra. Tôi hy vọng chúng ta đang gặp nhau.
51:15 Dục vọng là cái tinh túy của ý chí. Rồi tư tưởng chi phối cảm giác và tạo nên sự thôi thúc, dục vọng sở hữu. Tôi có đang nói một mình không, hay tất cả các bạn vẫn còn trong cuộc? Có lẽ tất cả điều này mới mẻ với các bạn, nhưng chúng ta phải cùng suy nghĩ về chúng, không như cá nhân tách biệt với những định kiến riêng tư mà là cùng quan sát mọi thứ này và thật sự tỏ tường về nó.
52:16 Chỗ nào trong mối quan hệ mà tư tưởng vận hành, tức là sự hồi tưởng tạo nên hình ảnh về người khác, nơi nào có hình ảnh được tạo bởi tư tưởng thì không thể có tình yêu. Hay nơi nào có dục vọng, thuộc về tính dục hay những dạng dục vọng khác – bởi vì dục vọng là một phần của tư tưởng – thì sẽ ngăn trở yêu thương.
53:03 Chúng ta cũng nên lưu ý trong việc cùng nhau suy xét về bản chất của sợ hãi, bởi vì tất cả chúng ta mắc kẹt trong điều khủng khiếp được gọi là sợ hãi. Chúng ta dường như không thể giải quyết nó. Ta sống với nó, trở nên quen nó, hay trốn tránh nó, qua giải trí, qua thờ phượng, qua những hình thức tiêu khiển khác nhau, về tôn giáo và về mặt khác. Vậy chúng ta phải cùng nhau xem xét lại bản chất và cấu trúc của sợ hãi. Làm ơn, sợ hãi là phổ biến với tất cả chúng ta, dù bạn sống ở đất nước ngăn nắp sạch sẽ này, hay ở Ấn - nơi lôi thôi, dơ bẩn, thừa dân số… Cùng là một vấn đề, sợ hãi. Con người đã sống với nó cả muôn ngàn năm rồi và chúng ta vẫn không thể giải quyết được nó Liệu có thể không – ta đang hỏi câu hỏi này hết sức nghiêm túc – có chút khả tính nào tự do hoàn toàn triệt để khỏi sợ hãi, không chỉ những dạng sợ hãi thuộc thân thể mà còn những dạng sợ hãi vi tế hơn nhiều thuộc nội tâm. Những sợ hãi ý thức được và những nỗi sợ sâu thẳm chưa được phát giác, sợ hãi nằm sâu trong ý thức mà chúng ta chưa bao giờ tra xét ra chúng ở đó.
55:34 Tra xét, khảo sát không có nghĩa là phân tích. Tôi biết rằng nếu bạn có bất cứ vấn đề gì đều quay sang nhà phân tích là một điều phổ biến. Hy vọng rằng không có chuyện đó ở đây! Nhà phân tích cũng giống như bạn và tôi, chỉ là ông ấy có một kỹ thuật nhất định. Nhưng chúng ta phải xem xét cái gì là sự quan sát và sự phân tích. Sự phân tích ám chỉ có người phân tích. Người phân tích có khác với cái anh ta phân tích không? Hay người phân tích là cái được phân tích? Bạn hiểu vấn đề chứ? Người phân tích là cái được phân tích. Đó là một thực kiện rõ ràng. Tôi đang phân tích mình, nhưng ai là người phân tích, trong tôi, người mà nói, “tôi phải phân tích” ấy? Nó vẫn là người phân tích tự chia tách bản thân với cái được phân tích, và rồi xem xét cái sẽ được phân tích – phải chứ? Thế nên, người phân tích chính là cái mà anh ta đang xem xét, phân tích. Cả hai là như nhau. Nó là một mánh khóe mà tư tưởng chơi đùa. Vậy khi ta quan sát, đừng phân tích, chỉ có quan sát sự việc như chúng là. Quan sát thật sự cái đang là chứ không phân tích cái đang là, bởi trong diễn trình phân tích ta có thể gạt chính mình Và nếu bạn thích chơi trò đó bạn có thể tiếp tục không bao giờ ngừng đến khi bạn chết trong phân tích, và không bao giờ đem lại một sự đổi thay căn để nào trong chính mình. Trái lại, quan sát, nhìn ngó, nhìn vào thế giới hiện tại như nó là, không như một người Hà Lan, người Anh, người Pháp, đây hay đó, mà nhìn thực sự cái đang xảy ra. Đó là quan sát, quan sát thuần túy về sự việc như chúng là.
58:34 Rồi chúng ta phải xem xét hay quan sát sợ hãi là gì, không phải cái gì là nguyên nhân của sợ hãi – ta nhìn điều đó ngay hiện tại – không phải nguyên nhân sợ hãi là gì, vốn hàm ý phân tích, đi xa hơn, đi lùi lại, nguồn gốc của sợ hãi, - chúng ta sẽ tìm ra nó sớm thôi – còn để học nghệ thuật quan sát, không diễn dịch cái bạn quan sát, hay giải thích cái bạn quan sát mà chỉ quan sát thôi, như khi bạn quan sát một đóa hoa đẹp. Giây phút bạn xé nó ra thành từng mảnh thì không còn hoa nữa. Đó là sự phân tích. Còn để quan sát vẻ đẹp của đóa hoa, ánh sáng trong mây, ráng nắng chiều, bản thân một cội cây trong rừng thì hãy chỉ nhìn nó thôi. Tương tự như thế, nếu có thể, chúng ta chỉ quan sát sợ hãi thôi. Gốc rễ của sợ hãi, không phải những khía cạnh khác nhau của sợ hãi, là gì? Chúng ta có thể tiếp tục chỗ này không? Nghĩa là giả sử tôi đang sợ hãi. Giả dụ nhé – chứ tôi thì không – giả sử tôi đang sợ, tôi phải nêu điểm này thật rõ ràng. Người nói sống với điều ông ấy nói, nếu không ông ấy sẽ không lên nơi bục này và nói chuyện về nó. Ông ấy đã làm nó trong sáu mươi năm qua, ông ấy đã không lừa gạt bản thân, ông ấy có thể, nhưng ông ấy đã thâm nhập nó thật sâu. Vậy nên điều ông ấy nói, đối với ông ấy là một thực kiện, chứ không phải là ảo tưởng, né tránh.
1:00:47 Chúng ta đang truy vấn liệu có chút khả dĩ nào tự do khỏi sợ hãi hoàn toàn hay không? Về mặt tâm lý, về nội tâm, gốc rễ của sợ hãi là gì? Sợ hãi có nghĩa gì? Sợ thứ gì đó khiến bạn đau đớn, sợ điều gì có thể xảy ra. Điều đó là quá khứ, hay cái có thể xảy đến ở tương lai – phải không? Không phải là cái có thể xảy ra bây giờ bởi lúc này thì không có sợ hãi. Nhưng bạn có thể thấy cho bản thân rằng sợ hãi là một diễn trình thuộc thời gian – phải không? Sợ điều gì đó đã diễn ra từ tuần trước, một tai nạn gây nên đau đớn về tinh thần, hay cơn đau thể xác, và sợ hãi rằng nó có thể lại xảy ra ngày mai: mất việc, không thực hiện được điều bạn muốn, không thành tựu được sự khai mở và các thứ đại loại vậy. Thế nên sợ hãi là một chuyển động trong thời gian – phải không? Một chuyển động từ quá khứ xuyên qua hiện tại, chỉnh sửa chính nó tới tương lai. Vậy nguồn gốc của sợ hãi là nghĩ tưởng. Và nghĩ tưởng là thời gian, bởi nghĩ tưởng là sự tích tập kiến thức qua kinh nghiệm, kí ức, sự đáp ứng của kí ức, suy nghĩ, hành động. Vậy nghĩ tưởng và thời gian là một, và nghĩ tưởng–thời gian là gốc rễ của sợ hãi. Điều đó khá rõ ràng. Nó là thế.
1:03:35 Không phải là chuyện dừng nghĩ tưởng hay thời gian. Dĩ nhiên sẽ không thể nào dừng được nó bởi ai là thực thể nói rằng, “tôi phải dừng nghĩ tưởng”? Điều ấy sẽ thật vô lý bởi thực thể đó là một phần của nghĩ tưởng. Các bạn có theo sát tất cả điều nay không? Vậy ý niệm về việc dừng nghĩ tưởng là không thể. Điều ấy ngụ ý một người kiểm soát đang cố gắng điều khiển suy nghĩ. Người kiểm soát được tạo ra bởi suy nghĩ. Vậy hãy làm ơn lắng nghe điều này, chỉ quan sát. Sự quan sát bản thân nó là một hành động, chứ không phải rằng ta phải làm gì đó với nỗi sợ. Tôi không rõ các bạn có hiểu chỗ này không?
1:04:35 Nhìn này: giả sử tôi sợ về điều này điều nọ, bóng tối, vợ tôi bỏ đi, hoặc tôi cô đơn, cái này hoặc cái khác. Tôi sợ hãi một cách sâu xa. Bạn đi bên cạnh và nói cho tôi, bạn giải thích cho tôi toàn bộ chuyển động sợ hãi, căn nguyên của sợ hãi, đó là thời gian. Tôi đã đau khổ, hay tôi đã trải qua vài rủi ro, rắc rối khiến cho sợ hãi, khắc sâu vào trong não bộ, và kí ức về việc rắc rối trong quá khứ có thể xuất hiện nữa, và do đó có sợ hãi. Rồi bạn đã giải thích điều đó cho tôi. Tôi lắng nghe thật cẩn thận sự giải thích của bạn, tôi thấy sự logic của nó, sự đúng đắn của nó, tôi không chối bỏ nó, tôi lắng nghe. Và điều ấy có nghĩa là lắng nghe trở thành một nghệ thuật. Tôi không chối bỏ điều bạn đang nói, cũng không chấp nhận, mà chỉ quan sát. Tôi quan sát điều bạn nói cho tôi về thời gian, suy nghĩ, là có thật. Tôi không nói, “ta phải ngưng thời gian và suy nghĩ”, tuy nhiên bạn đã giải thích cho tôi, đừng làm thế, hãy chỉ quan sát nỗi sợ khởi lên ra sao, nó là sự vận hành của suy nghĩ, của thời gian. Chỉ quan sát chuyển động này và đừng chạy khỏi nó, đừng lẩn tránh nó, hãy sống với nó, nhìn nó, dành năng lực của bạn vào cái nhìn của mình. Rồi bạn sẽ thấy rằng sợ hãi bắt đầu tiêu mất bởi bạn đã không làm gì với nó, bạn đã chỉ quan sát, bạn đã dành chú tâm của bạn cho nó. Chính sự chú tâm giống như đem lại ánh sáng lên sợ hãi. Chú tâm nghĩa là trao toàn bộ năng lực của bạn vào sự quan sát. Có rõ ràng chút nào không? Thưa ngài, không may chúng ta chỉ có 2 buổi nói chuyện, tôi mong có nhiều buổi nói chuyện hơn. Nếu ông bắt đầu đặt câu hỏi chúng ta sẽ trở nên điều gì khác mất. Song tôi hy vọng ông sẽ không phiền nếu tôi tiếp tục. Được chứ?
1:07:50 Quan sát không phân tích ý nói dành chú tâm trọn vẹn của bạn vào một vấn đề. Vấn đề là mối quan hệ, vấn đề là sợ hãi, và chúng ta cũng phải đi sâu vào vấn đề lạc thú nữa. Xin hỏi mấy giờ rồi? Làm ơn nhắc lại? 12h15. Chúng ta đã nói khoảng 1 giờ. Các bạn có muốn tiếp tục nửa giờ nữa không? Các bạn có thể chịu được chứ? Phụ thuộc các bạn thôi chứ không phải tôi, thưa các vị.
1:08:57 Ngoài ra – thưa ngài, xin vui lòng không chụp ảnh. Làm ơn, tất cả chuyện này thật sự rất nghiêm túc. Không phải là điều gì đó để bạn tiêu khiển trong một ngày rồi đánh rơi mất. Nó liên quan đến đời sống của chúng ta, toàn bộ sự tồn tại của chúng ta. Và nếu các bạn có chút nghiêm túc, chúng ta phải dành sự chú tâm của mình đối với tất cả điều này.
1:09:42 Tại sao con người lại theo đuổi lạc thú? Xin hỏi chính các bạn tại sao. Lạc thú có đối nghịch với đau khổ không? Xin đi sâu vào nó một chút. Tất cả chúng ta đều đã có đủ thứ đau khổ, cả về thân và tâm. Về tâm lý, đa số chúng ta từ tấm bé đã bị tổn thương, bị xúc phạm, đó là đau khổ. Và kết quả của sự đau khổ đó là rút lui, cô lập bản thân, để không bị tổn thương thêm. Chúng ta bị tổn thương từ thơ ấu qua trường học, bởi so sánh bản thân với ai đó tài giỏi hơn. Chúng ta đã làm chính mình tổn thương và người khác làm tổn thương chúng ta qua nhiều hình thức mắng chửi, xúc phạm, nói điều gì thô tháo, đe dọa chúng ta. Và có sự tổn thương sâu xa với tất cả những hệ quả của nó, là sự cô lập, chống kháng, mỗi lúc mỗi co rút lại. Và cái đối nghịch với điều đó chúng ta nghĩ là lạc thú. Đau khổ và cái đối cực của nó là lạc thú. Nó là thế ư?
1:11:37 Vậy chúng ta phải xem xét kĩ càng nếu các bạn có sinh lực, nếu các bạn có thời gian, nếu các bạn muốn. Điều thiện có là cái đối nghịch với cái gọi là không tốt hay không? Nếu điều thiện là cái đối nghịch thì điều thiện đó chứa đựng cái đối nghịch của chính nó – phải không? Do đó nó không phải là thiện. Điều thiện là cái gì đó hoàn toàn tách biệt với cái bất thiện. Vậy, lạc thú – xin hãy lắng nghe điều này nếu các bạn không phiền, ta đang truy vấn điều này hết sức nghiêm cẩn – có phải lạc thú là điều gì đối nghịch với khổ đau không? Hay nó là cái tương phản và chúng ta cứ luôn theo đuổi cái tương phản, cái đối nghịch? Vậy ta đang hỏi, có phải lạc thú tách biệt hoàn toàn, cũng giống như điều thiện – với cái không thỏa mãn hay không? Bạn hiểu chứ? Hay lạc thú bị khổ đau làm cho hư hoại? Rồi khi bạn nhìn kĩ vào lạc thú thì nó luôn luôn là sự hồi tưởng, phải không? Ta không bao giờ nói khi ta đang hạnh phúc “Ôi tôi hạnh phúc quá”, luôn là sau đó, sự hồi tưởng về điều đem lại cho bạn sự thỏa mãn, và hồi tưởng về sự thỏa mãn đó. Như lúc hoàng hôn, khi bạn thấy cảnh chiều huy hoàng, đầy thứ ánh sáng lạ thường thường thì có sự thỏa mãn, niềm khoái cảm to lớn. Rồi cái đó được nhớ lại, và lạc thú nảy sinh. Vậy lạc thú cũng là một phần của tư tưởng. Điều ấy quá rõ.
1:14:24 Nên vấn đề tiếp theo là – nó rất phức tạp, giống như tất cả mọi vấn đề của con người – có thể nào chấm dứt mọi phiền muộn không? Bởi nơi nào có phiền muộn, nơi đó không có yêu thương. Nơi nào có phiền muộn, rõ là chẳng thể nào có sự thông tuệ. Chúng ta sẽ xem xét từ đó, thông tuệ là một từ hết sức phức tạp
1:15:10 Các bạn biết đó, thấu hiểu về mối quan hệ, sợ hãi, lạc thú và muộn phiền là đem lại trật tự trong ngôi nhà của mình. Không có trật tự bạn không thể nào có thể thiền. Bạn hiểu từ đó không? Đáng tiếc là từ đó đã được người phương Đông đem tới phương Tây. Giờ người nói để thiền định vào cuối những buổi nói chuyện bởi vì không thể nào có thiền đúng đắn nếu bạn không sắp xếp ngôi nhà của bạn, ngôi nhà về mặt tâm lý, có trật tự. Nếu ngôi nhà mất trật tự, ngôi nhà tâm lý, là cái bạn là, nếu ngôi nhà đó không có trật tự thì trọng tâm của hành thiền là gì? Đó chỉ là sự lẩn tránh. Nó đưa đến đủ thứ ảo tưởng. Và bạn có thể ngồi kiết già hay trồng chuối cả đời nhưng như thế không phải là thiền. Thiền phải bắt đầu bằng việc mang lại trật tự trong ngôi nhà của bạn: nghĩa là, trật tự trong mối quan hệ, trật tự trong những dục vọng, lạc thú của mình…
1:17:11 Ngoài ra, một trong những nguyên nhân của mất trật tự trong đời sống của chúng ta là phiền muộn. Đây là một nhân tố chung, thực tế chung cho cả nhân loại. Mỗi người đều trải qua bi kịch phiền muộn này, ở đây hay ở châu Á, hay ở châu Âu. Một lần nữa đây là cái chung mà tất cả chúng ta chia sẻ. Đây không chỉ là cái gọi là muộn phiền riêng tư mà là muộn phiền của nhân loại, sự khổ đau mà chiến tranh đã mang lại, cả 5000 năm của sử sách, mỗi năm đều có 1 cuộc chiến, giết hại nhau, bạo lực, khủng bố, tàn ác, làm tàn phế | con người, người ta không còn tay, mắt, đủ thứ kinh khủng và bạo tàn của chiến tranh, đem lại thống khổ không kể siết cho loài người. Đau buồn không của riêng ai mà là đau buồn của nhân loại, đau buồn khi bạn thấy một người chẳng có gì cả, ngoài một manh áo và cả phần đời còn lại ông ta sẽ chỉ như vậy. Không chỉ ở những đất nước Tây phương này mà cũng như thế ở thế giới châu Á. Có phiền muộn khi bạn thấy người ấy. Cũng có đau buồn khi người ta mắc kẹt trong ảo tưởng, như đi từ bậc thầy này đến bậc thầy nọ, tức là lẩn tránh chính bản thân mình. Đó là một nỗi buồn, hãy quan sát điều này. Những người lanh lợi bỏ đi đến phương Đông, viết sách về nó, tán tụng vài vị guru, và tất cả chúng ta sa vào thứ vô nghĩa đó. Đó cũng là phiền muộn. Phiền muộn cũng đến khi bạn thấy những gì mà các chính trị gia đang làm trên thế giới. Suy nghĩ về chủ nghĩa bộ lạc, đó cũng là nỗi buồn.
1:20:23 Vậy là có phiền muộn cá nhân và cả bóng đen phiền muộn khổng lồ của cả nhân loại. Phiền muộn không phải là điều gì đó lãng mạn, ủy mị, phi lý, nó nằm đó. Con tôi chết và điều đó làm đời tôi vỡ vụn. Chúng ta sống với phiền muộn này từ vô thủy. Và dường như ta đã không giải quyết được vấn đề này. Khi ta đau khổ, ta tìm sự khuây khỏa, tức là trốn tránh sự kiện buồn đau. Khi có đau khổ, bạn thử mọi hình thức giải trí, chạy trốn, nhưng nó luôn nằm đó. Và dường như nhân loại không hóa giải được nó. Và chúng ta đang hỏi câu hỏi rằng liệu có thể nào tự do thoát khỏi nó hoàn toàn không? Không tránh nó, không tìm an ủi, không đào tẩu vào thứ lý thuyết đồng bóng nào đó, mà sống cùng với nó. Hãy thấu hiểu điều chúng tôi muốn nói qua cụm từ đó “sống với nó”: đừng khiến nó trở thành một tập quán như đa số làm; họ sống với những quốc tịch, là thứ có tính phá hoại nhất, họ sống với những định kiến tôn giáo biệt lập của riêng họ, họ sống với những ý niệm và lý tưởng không có thật của riêng họ, và điều ấy lại đem lại xung đột của chính họ. Vậy sống với điều gì đó, sống với buồn đau, không phải là chấp nhận nó, không trở nên quen thuộc với nó, tức là hãy nhìn vào nó, quan sát nó mà không hề trốn tránh, không hề có chuyện cố gắng vượt qua nó, mà chỉ là giữ nó trong tay bạn và nhìn ngắm. Buồn đau cũng là một phần của cảm giác cô đơn khủng khiếp, bạn có thể có nhiều bạn bè, bạn có thể có gia đình, bạn có thể có đủ các thứ, nhưng trong nội tâm luôn có cảm giác hoàn toàn cô đơn. Và đó là một phần của phiền muộn. Hãy quan sát sự cô đơn này mà không có hướng nào cả, không cố gắng đi ra ngoài nó, không cố gắng tìm cái thay thế nó, mà sống với nó, không tôn sùng nó, không trở nên loạn thần về nó. Điều ấy có nghĩa rằng dành trọn vẹn sự chú tâm của bạn vào cơn đau đó, vào buồn đau, phiền muộn đó. Thế nên khi con tôi chết, hay ai đó tôi nghĩ là tôi thương yêu chết đi thì có sự đau thương to lớn, và không chạy trốn khỏi nó, chỉ hãy… Điều thật vĩ đại là thấu hiểu sự đau khổ bởi vì ở đâu có sự giải thoát khỏi đau đớn, thì ở đó có trắc ẩn yêu thương. Và bạn sẽ không động lòng trắc ẩn chừng nào bạn còn níu giữ vào bất kỳ đức tin nào, vào bất kỳ hình thức biểu tượng tôn giáo cá biệt nào đó của bạn. Lòng trắc ẩn là tự do thoát khỏi muộn phiền. Và nơi nào có lòng trắc ẩn, nơi đó có tình yêu, và cùng với lòng trắc ẩn đó thì thông tuệ đến – không phải cái thông minh của tư tưởng cùng với sự trí trá của nó, sự dàn xếp của nó, với khả năng khoan nhượng bất cứ điều gì của nó. Lòng trắc ẩn có nghĩa là chấm dứt muộn phiền và chỉ khi đó mới có thông tuệ.
1:26:51 Chúng ta sẽ tiếp tục vào ngày mai nếu các bạn không phiền, bàn về cái chết, cái sẽ xảy ra, nếu có bất cứ điều gì xảy đến sau khi chết, ý nghĩa của sự chết là gì, và thiền định là gì. Nghĩa là nếu các bạn có thể chịu đựng đến mai.
1:27:27 Tôi xin phép đề nghị một cách hết sức tôn trọng rằng các bạn đừng vỗ tay. Bằng cách vỗ tay, các bạn không đang cổ vũ tôi. Các bạn đang vỗ tay bởi các bạn thấu hiểu nó cho chính các bạn.
1:27:52 BẢN QUYỀN PHỤ ĐỀ 1981 KRISHNAMURTI FOUNDATION TRUST LTD