Krishnamurti Subtitles home


AM81T2 - Đạo tâm chính là một tâm trí căn cứ trên sự thực
Buổi nói chuyện trước công chúng thứ 2
Amsterdam, Hà Lan
Ngày 20 tháng 9 năm 1981



0:47 Tôi e rằng đây là buổi nói chuyện cuối cùng. Như hai người bạn ngồi trong công viên vào một ngày đẹp trời, nói chuyện về cuộc sống, về những vấn đề của họ, truy vấn nghiêm túc chính bản chất về sự tồn tại của họ và tự hỏi chính mình một cách nghiêm túc rằng tại sao cuộc sống đã trở nên một vấn đề to lớn đến thế. Tại sao mặc dù về mặt trí thức bạn hết sức thạo đời, tuy nhiên cuộc sống hằng ngày của chúng ta lại nhọc nhằn như thế, vô nghĩa, trừ việc sống sót, mà một lần nữa lại quá mơ hồ. Tại sao cuộc sống, sự sống hàng ngày lại trở nên giày vò như thế. Ta có thể đến nhà thờ, theo vị lãnh đạo chính trị hay tôn giáo nào đó, tuy nhiên cuộc sống hàng ngày lại luôn rối ren dù có những giai đoạn nào đó, vui vẻ hạnh phúc thoảng qua, song luôn có đám mây ảm đạm vây quanh đời mình. Và hai người bạn này trò chuyện với nhau, cũng như chúng ta, các bạn với người nói, chúng ta trao đổi với nhau trong tình thân hữu, có thể với tình cảm, chăm sóc, quan tâm, liệu có thể nào sống một đời sống, đời sống hằng ngày của chúng ta mà không có một vấn đề nào không? Mặc dù chúng ta có học vấn cao, có nghề nghiệp nhất định, có chuyên môn, song chúng ta có những vẫy vùng không giải quyết được, đau đớn, thống khổ, niềm vui và thỉnh thoảng có cảm giác mãnh liệt về việc hoàn toàn không ích kỷ. Và nếu có thể, cùng nhau sáng hôm nay, xem xét câu hỏi này: tại sao nhân loại sống như chúng ta sống, đến sở làm từ 9 giờ đến 5 - 6 giờ trong 50 năm tới, hay bận rộn mọi lúc, không chỉ với những vấn đề riêng ta mà còn não bộ, tâm thức liên tục bận rộn, không bao giờ có sự tĩnh lặng, không bao giờ có bình an, luôn đầy nghẹt điều này điều nọ. Đó là đời sống của chúng ta, đơn điệu, một đời sống có phần thiếu thốn, cô đơn. Và chúng ta cố gắng trốn khỏi nó qua tôn giáo, qua những hình thức giải trí khác nhau.
5:55 Vào lúc cuối ngày, chúng ta vẫn ở nơi nơi chúng ta đã ở cả hàng thiên niên kỉ vừa qua. Chúng ta dường như đã thay đổi rất ít về mặt nội tâm, tâm lý. Và những vấn đề của chúng ta cứ gia tăng. Luôn luôn sợ hãi về tuổi già, bệnh tật, tai nạn sẽ cuốn ta đi. Đời sống của chúng ta là vậy, từ ấu thơ đến khi ta chết, tự nguyện hoặc không tự nguyện chết. Chúng ta dường như không thể giải quyết được vấn đề đó, vấn đề sống cũng như vấn đề chết. Đặc biệt khi ta già dần đi, ta hồi tưởng toàn bộ những thứ đã qua: những thời khắc vui sướng, khổ đau, muộn phiền và những giọt nước mắt. Nhưng luôn có điều-không-biết là cái chết mà đa số chúng ta đều sợ hãi. Và như hai người bạn ngồi trên trên ghế dài trong công viên, không phải trong đại sảnh với ánh sáng này…, khá khó chịu, mà ngồi trên ghế trong công viên với ánh mặt trời – ánh sáng lốm đốm của nắng xuyên qua tàng lá – những chú vịt trên kênh đào và vẻ đẹp của địa cầu, cùng bàn luận với nhau. Đó là cái chúng ta sẽ làm, nói chuyện như hai người bạn đã sống lâu, sống một đời sống nghiêm túc cùng những rắc rối, những vấn đề về tình dục, cô đơn, tuyệt vọng, trầm cảm, lo âu, bất định, cảm giác vô nghĩa với mọi thứ. Luôn luôn ở tận cùng của tất cả là cái chết.
9:29 Và khi nói chuyện đó, hoặc chúng ta tiếp cận nó về mặt trí thức, tức giải thích duy lý nó, nói rằng nó là không thể tránh được, đừng sợ hãi hay chạy trốn qua hình thức nào đó của đức tin, như kiếp sau mà người châu Á tin tưởng, luân hồi, hoặc giả nếu trí thức cao bạn nói rằng đây là chấm dứt tất cả, chấm dứt sự tồn tại của chúng ta, những kinh nghiệm, ký ức, nhạy cảm, thú vị, phong phú. Và đi kèm với nó là nỗi đau đớn, khổ sở lớn lao. Cuộc đời này thực sự có nghĩa là gì, nếu ta xem xét thật kĩ, khá vô nghĩa? khá vô nghĩa? Về mặt trí thức, về ngôn từ, ta có thể xây dựng ý nghĩa cho đời sống, nhưng lối sống của chúng ta thật sự có rất ít ý nghĩa.
11:12 Vậy là có cái gọi là sống và chết. Đó là tất cả cái chúng ta biết. Mọi thứ ngoài điều đó đều trở thành lý thuyết, một sự ức đoán; hay sự theo đuổi một đức tin mà qua đó ta tìm được sự an toàn, niềm hy vọng nào đó. Song những đức tin đó cũng quá thiển cận, khá vô nghĩa, như mọi đức tin đều vậy. Hoặc bạn có những lý tưởng được tư tưởng phóng chiếu, và vùng vẫy đấu tranh để thành tựu những lý tưởng đó. Cuộc sống của chúng ta là vậy dù chúng ta rất trẻ, đầy năng lượng, vui vẻ, có cảm giác rằng có thể làm hầu hết các thứ, song thậm chí với tuổi trẻ, tuổi trung niên hay lão niên, luôn luôn có vấn đề cái chết, sự chết này. Sáng nay có thể chúng ta bàn về chuyện này không? Xin vui lòng, như chúng ta đã chỉ ra ngày hôm qua, chúng ta cùng nhau suy nghĩ về nó. Các bạn, nếu ta có thể chỉ thẳng, không chỉ lắng nghe một mớ từ ngữ, một vài ý tưởng nào đó, mà đúng hơn là cùng nhau, tôi muốn nói cùng nhau nghiên cứu toàn bộ vấn đề sống và chết. Và hoặc là ta thực hiện với toàn bộ tâm trí mình, hoặc chỉ một phần, một cách hời hợt với rất ít ý nghĩa.
14:10 Vậy trước tiên, tất cả chúng ta nên thấy rằng não bộ ta không bao giờ hoạt động một cách đầy đủ, trọn vẹn, chúng ta chỉ sử dụng một phần rất nhỏ của não bộ. Phần đó là cấu trúc của tư tưởng. Phần đó bản thân nó là 1 bộ phận nên nó bất toàn, bởi tư tưởng bất toàn nên não bộ chỉ thực thi trong một phạm vi rất hẹp, phụ thuộc vào những giác quan của chúng ta, những giác quan của chúng ta lại cũng mang tính cục bộ, thiên lệch, không bao giờ tất cả giác quan tỉnh thức hoàn toàn. Tôi không biết các bạn đã thử nhìn điều gì với toàn bộ giác quan của mình không: nhìn ngắm biển, chim chóc, ánh trăng đêm trên bãi cỏ xanh. Các bạn không nhìn một cách cục bộ hoặc với tất cả các giác quan tỉnh thức trọn vẹn. Hai trạng thái khác biệt hoàn toàn. Khi nhìn điều gì một cách cục bộ, một phần, các bạn tạo thêm sự chia tách, thái độ và cuộc sống ích kỉ. Còn khi nhìn ngắm ánh trăng trên nước tạo nên một con đường lấp lánh, với tất cả những giác quan của mình, nghĩa là với tâm thức và con tim bạn, với khí lực của bạn, dành toàn bộ chú tâm của bạn vào sự quan sát đó thì bạn sẽ tự thấy rằng không hề có trung tâm nào mà từ đó bạn quan sát.
16:52 Vậy có thể nào chúng ta quan sát sống, thực tại là gì và chết đi nghĩa là gì không? Cùng nhau nhé. Cuộc đời chúng ta, cuộc sống thường nhật là một diễn trình của những kí ức. Tâm não của chúng ta hoàn toàn là trí nhớ. Đúng chứ? Chúng ta có đang cùng ở chỗ này không? Điều này rất khó, tôi không chắc rằng chúng ta đang hiểu nhau. Tôi không biết các bạn biết tiếng Anh nhiều không, và đó không phải là một phát biểu có tính xúc phạm. chúng ta có hiểu Anh ngữ hoàn toàn về những gì người nói đang nói hay không? Hoặc là các bạn chỉ nghe một phần, hiểu Anh ngữ phần nào, thế nên sự chú ý bị lơ đễnh, và ta trông có vẻ khá ngơ ngác – từ đây. Ngôn ngữ của người nói đang sử dụng là thứ ngôn ngữ thông thường, không chuyên biệt hóa. Nó là thứ tiếng Anh đơn giản. Vậy tôi hy vọng chúng ta hiểu nhau.
19:11 Chúng ta đang nói chúng ta là – chúng ta, bản ngã của chúng ta, tính cách của chúng ta - toàn bộ cấu trúc của chúng ta hoàn toàn là nhóm họp như ký ức, chúng ta là ký ức, phải không? Đây là vấn đề cần tra xét, xin đừng chấp nhận. Hãy quan sát, lắng nghe nó. Người nói đang nói, cái “bạn”, bản ngã cái “tôi” toàn là ký ức. Không hề có chỗ hay không gian nào trong đó có sự sáng suốt. Hay các bạn có thể tin, hy vọng, tin tưởng rằng có điều gì đó trong bạn là vô nhiễm, là Thượng đế, là ánh chớp của điều vốn là phi thời, các bạn có thể tin tất cả điều ấy. Nhưng niềm tin đó chỉ là viển vông, tất cả những niềm tin là thế. Còn thực tế là, toàn bộ đời sống của chúng ta, chúng ta toàn là kí ức, trí nhớ. Không có nơi nào hay không gian nào thuộc nội tâm không phải là kí ức. Các bạn có thể xem xét điều này, nếu các bạn có thời gian, có lẽ không phải sáng nay bởi chúng ta có nhiều thứ cần nói, nhưng nếu bạn truy vấn nghiêm túc chính bản thân mình, bạn sẽ thấy rằng cái “tôi”, bản ngã, tất cả là kí ức, hồi ức. Đó là cuộc đời của chúng ta, chúng ta hành hoạt, sống từ kí ức. Và đối với chúng ta, cái chết là sự chấm dứt kí ức đó. Đúng chứ?
21:56 Tôi có đang nói cho chính tôi hay tất cả chúng ta đang cùng nhau ở chỗ này? Các bạn biết đó, người nói quen nói chuyện trong không gian mở, dưới những cây cối, hay trong một cái rạp lớn mà không có thứ ánh sáng chói này, và khi đó ta có thể có thông tri thân mật với người khác. Trên thực tế chỉ có bạn và tôi nói chuyện với nhau, không phải đông đúc thính giả trong tòa đại sảnh này, mà bạn và tôi ngồi bên bờ sông, trên trường kỉ, nói chuyện này với nhau. Người này nói với người kia: chúng ta chẳng là gì ngoài kí ức, và chúng ta bám chấp vào chính kí ức ấy – nhà tôi, tài sản, kinh nghiệm của tôi, mối quan hệ của tôi, văn phòng tôi làm, công xưởng, kĩ năng tôi thích có thể đạt được trong một thời gian nhất định, tôi là tất cả cái đó. Và tư tưởng bám chặt điều đó. Đó là cái chúng ta gọi là sống. Sự bám chấp này, cùng với tất cả những vấn đề của nó, bởi khi bạn chấp bám thì sợ mất, chúng ta chấp bám bởi chúng ta cô đơn, chịu đựng cô đơn sâu thẳm đến ngạt thở. Và càng bám chấp cái khác, thứ lại cũng là kí ức - người khác là kí ức: vợ tôi, chồng tôi, lũ trẻ của tôi, là khác với tôi về vật lý, còn thuộc về tâm lý, kí ức về vợ tôi, tôi bám vào đó, với cái tên, hình dáng, cuộc sống của tôi là sự trói buộc vào kí ức mà tôi thu thập cả một đời. Nơi nào tôi nhận ra có sự trói buộc tôi quan sát thấy có sự mục nát. Khi tôi gắn với một đức tin, hy vọng trong sự gắn bó vào đức tin đó sẽ có sự an toàn nhất định, cả về tâm lý lẫn thân thể, sự trói buộc không chỉ cản trở sự xem xét sâu hơn mà còn khiến tôi sợ xem xét cả khi tôi hết sức chấp bám vào điều gì đó – với một người, một ý tưởng, kinh nghiệm. Vậy là sự mục nát hiện diện ở nơi nào có sự trói buộc, gắn bó. Toàn bộ đời sống của ta là một chuyển động trong vòng cương tỏa của điều đã biết. Điều này rõ ràng. Và cái chết là chấm dứt điều đã biết. Phải không? Sự chấm dứt của cơ thể vật lý, sự chấm dứt toàn bộ kí ức về cái tôi là. Tôi chẳng là gì ngoài kí ức, kí ức là cái đã biết. Tôi sợ để tất cả đi mất, có nghĩa là chết. Tôi nghĩ điều đó khá dễ hiểu, ít nhất là về mặt ngôn ngữ. Nghĩa là về mặt trí thức các bạn có thể chấp nhận điều đó. Một cách logic, đúng mực, đó là một thực kiện.
27:47 Vậy câu hỏi là: tại sao con người trên khắp thế giới, dù họ tin – một vài trong số họ, ở thế giới Á châu – vào sự tái sanh của bản thân họ vào đời sau; đời vị lai trở nên tôn quí hơn, phồn thịnh hơn, nhà cửa, địa vị cao hơn. Vậy những người này tin vào sự đầu thai, nghĩa là cái linh hồn, tự ngã, cái “tôi” – vốn là một mớ kí ức – được sinh ra vào đời sau. Đời sau thì tốt hơn bởi nếu tôi cư xử chính đáng lúc này, bản thân sống đạo đức, sống một đời không bạo lực, không tham lam…, đời sau tôi sẽ tốt đẹp hơn, địa vị cao hơn. Nhưng đời sau…, một niềm tin về sự đầu thai thì chỉ là một niềm tin, bởi những người có niềm tin mạnh mẽ đó không sống một đời đạo đức hôm nay. Phải chứ? Các bạn có theo được hết không? Đời sau sẽ tuyệt vời thì chỉ là một ý tưởng. Cái đẹp của đời vị lai hẳn phải tương ứng với cái đẹp của đời hiện tại. Nhưng đời hiện tại lại quá ư trí trá, quá đòi hỏi, quá phức tạp, chúng ta quên tuốt niềm tin và đấu tranh, lừa gạt, giả hình, đủ mọi hình thức tục tằn thô tháo… Đó là một khía cạnh của cái chết, niềm tin vào điều gì đó ở đời sau.
30:18 Song những ai không chấp nhận lý thuyết như thế, dù vậy họ đang cố gắng sưu tầm bằng chứng của việc đầu thai, vốn cũng khá ngớ ngẩn – các bạn hiểu hết chứ? – bởi vì cái gì là cái sẽ đi đầu thai cơ chứ? Cái gì là cái có sự tương tục chứ? Các bạn hiểu câu hỏi của tôi không? Chúng ta có đang nói chuyện với nhau không? Cái gì có tính liên tục trong cuộc đời, trong cuộc sống thường nhật của chúng ta? Nó là kí ức về kinh nghiệm, lạc thú, sợ hãi, lo âu của ngày hôm qua và sự liên tục đó xuyên suốt cuộc sống trừ khi chúng ta bẻ gãy nó và rời khỏi dòng chảy đó. Phải không?
31:34 Giờ câu hỏi là: liệu trong khi ta đang sống, với mọi sự loạn động, với sinh lực, năng lực, có thể nào kết thúc, ví dụ như sự trói buộc, chấp bám không? Bởi đó là cái sẽ xảy ra khi bạn chết. Bạn có thể gắn bó với vợ bạn, với chồng bạn, với tài sản của bạn – à không phải với tài sản, cái đó nguy hiểm – chúng ta bám chấp vào niềm tin nào đó, đức tin nơi Thượng đế. Đức tin đó đơn thuần chỉ là sự phóng chiếu, hay là một phát minh của tư tưởng, nhưng chúng ta bám lấy nó bởi vì nó đem lại cảm giác an toàn nhất định dù nó không thật, chúng ta bám dính vào điều đó. Cái chết nghĩa là chấm dứt sự trói buộc, gắn bó. Vậy trong khi đang sống, ta có thể nào kết thúc sự trói buộc đó một cách tự nguyện, dễ dàng, không hề cố gắng hay không? Nghĩa là chết đi với những gì ta đã biết. Các bạn theo kịp chứ? Chúng ta có thể làm điều này không? Bởi điều đó là sống với chết cùng với nhau, chứ không phải được chia tách bởi khoảng trăm năm, năm mươi năm, chờ một cơn bạo bệnh cuốn ta đi. Sống với toàn bộ sức sống, sinh lực, khả năng thuộc trí thức, cùng giác tri to lớn hơn, để chấm dứt những định kiến nhất định, những tính khí nào đó, những kinh nghiệm, sự trói buộc gắn bó, những tổn thương, kết thúc nó. Điều đó nghĩa là trong khi đang sống thì sống cùng với cái chết. Các bạn hiểu chỗ này chứ? Chúng ta có gặp nhau không? Thế nên chết không phải là điều gì đó xa xôi, chết không phải là cái nằm ở cuối đời người ta thông qua tai nạn nào đó, bệnh tật, tuổi già, mà đúng hơn là sống mà chấm dứt toàn bộ những gì thuộc kí ức, đó là chết. Chết không có nghĩa cách biệt với sống.
35:13 Như đã nói hôm qua, chúng ta cần phải xem xét cùng nhau, ngồi trên ghế dài bên bờ sông, nước chảy trong vắt không vấy bùn lầy nhiễm ô, thấy được toàn bộ chuyển động của sóng xô đuổi nhau xuôi dòng, chúng ta cũng như hai người bạn ngồi đó, cùng luận bàn về điều gì là tôn giáo. Tại sao tôn giáo lại chiếm một phần to lớn như thế trong đời chúng ta từ thời cổ đại đến hôm nay? Đạo tâm là như thế nào? Từ “tôn giáo” thực sự nghĩa là gì? Bởi về mặt lịch sử - không phải về thứ ta đã đọc rất nhiều mà là ta đã quan sát những nền văn minh biến mất, được sinh ra trở lại với một tôn giáo khác. Những tôn giáo đã đem đến những nền văn minh mới, văn hóa mới. Không phải thế giới công nghệ, không phải những chiếc máy vi tính, tàu ngầm, những khí tài chiến tranh. Cũng không phải những thương gia, nhà kinh tế, mà những con người tu hành trên khắp thế giới đã đem đến sự đổi thay khủng khiếp. Thế nên ta hẳn phải cùng nhau truy vấn xem chúng ta muốn nói gì với từ “tôn giáo”. Ý nghĩa, tầm quan trọng của nó là gì, có phải nó chỉ là mê tín, phi lý, vô nghĩa hay không? Hay có điều gì vĩ đại hơn nhiều, điều gì đó tốt đẹp hơn rất nhiều. Và để thấy rằng có cần thiết – chúng ta đang bàn luận với nhau như hai người bạn – có nhất thiết phải thoát khỏi tất cả những gì tư tưởng đã phát minh ra như tôn giáo hay không? Các bạn hiểu rõ câu hỏi của tôi không? Tôi muốn khám phá xem ý nghĩa của tôn giáo là gì? Chiều sâu của nó là gì? Chỗ tận cùng của nó là gì? Bởi con người đã luôn luôn tìm kiếm điều gì đó nằm ngoài đời sống vật chất. Hắn ta đã luôn nhìn xem, tìm tòi, truy vấn, khổ sở, giày vò bản thân để khám phá ra liệu có thứ gì đó không thuộc thời gian, không thuộc về tư tưởng, mà vốn không phải là niềm tin hay đức tin hay không? Và để khám phá ra điều đó ta hẳn phải tự do triệt để, còn nếu bạn bị neo giữ vào một đức tin nào đó thì chính đức tin đó sẽ ngăn chặn sự tra xét sâu vào cái vĩnh cửu, nếu có thứ gì đó vĩnh cửu như thế, thứ siêu vượt thời gian, nằm ngoài mọi đo lường trắc lượng. Vậy ta phải tự do, nếu ta thực nghiêm túc trong việc truy vấn sâu vào tôn giáo là gì, ta hẳn phải tự do thoát khỏi mọi điều mà tư tưởng đã phát minh, nhóm họp, cái mà được coi là thuộc tín ngưỡng. Nghĩa là tất cả các thứ mà Ấn giáo đã chế ra, với sự mê tín, những niềm tin, những ảnh tượng của nó, và tài liệu cổ xưa như Áo nghĩa thư…, ta cần phải hoàn toàn tự do với tất cả thứ đó. Nếu ta bám chấp vào tất cả điều đó thì một cách tự nhiên không thể nào khám phá ra điều gì là nguồn cội. Các bạn hiểu vấn đề không?
41:36 Tức là nếu tâm não của tôi bị tập nhiễm bởi sự mê tín thuộc Ấn giáo, những đức tin, triết thuyết, sùng bái ngẫu tượng, với mọi truyền thống xưa cũ, thì khi ấy tâm trí của tôi bị neo giữ vào đó, do đó nó không thể chuyến động, không có tự do. Vậy nên ta phải thoát khỏi hoàn toàn tất cả điều ấy: là một người Ấn giáo. Phải chứ? Tương tự, ta cũng phải tự do toàn triệt với mọi phát minh của tư tưởng, như những nghi lễ, học thuyết, những đức tin, biểu tượng, những đấng cứu thế … thuộc Cơ đốc giáo. Điều ấy có thể khá khó khăn, như thế là đang đến gần Nhà hơn. Hoặc nếu các bạn đến Sri Lanka, hay Tibetan, hướng Bắc, đạo Phật, cũng với sự thờ phượng của họ, cũng như sự thờ phượng của Cơ đốc giáo, họ cũng có vấn đề này: bị trói buộc vì sự an toàn với những điều mà tư tưởng đã phát minh ra. Thế nên mọi tôn giáo, dù là Cơ đốc, Hồi giáo, Ấn giáo hay Phật giáo, đều là chuyển động của tư tưởng liên tục qua thời gian, qua văn chương, qua biểu tượng, qua nhưng thứ được bàn tay hay khối óc chế tác, tất cả điều đó được coi là tín ngưỡng trong thế giới hiện đại. Đối với người nói, đó không phải là tôn giáo. Với người nói, nó là một hình thức ảo tưởng, khiến an ủi, làm cho thỏa mãn, hão huyền, ủy mị chứ không thực tế, bởi vì tôn giáo phải ảnh hưởng đến cuộc đời, cách chúng ta sống, đó là ý nghĩa của cuộc sống. Bởi vì chỉ khi có trật tự - như chúng ta đã bàn hôm qua – trong cuộc sống của chúng ta.
44:56 Trật tự là điều hoàn toàn phân ly với mất trật tự. Chúng ta sống trong rối loạn, nghĩa là trong xung đột, mâu thuẫn, nói một đằng làm một nẻo, nghĩ một điều và hành theo lối khác, đó là mâu thuẫn. Khi mâu thuẫn, tức là chia rẽ, hẳn phải hỗn loạn. Và đạo tâm thì hoàn toàn không hỗn loạn. Cái đó là nền tảng của đời sống tu hành chứ không phải đủ mọi thứ vô nghĩa đang tiếp diễn với những guru và sự ngu si của họ.
45:53 Các bạn biết đấy, hết sức kì lạ rằng: nhiều vị guru đã đến gặp người nói, rất nhiều. Bởi họ nghĩ tôi công kích các guru. Các bạn hiểu chứ? Họ muốn thuyết phục tôi đừng công kích nữa. Họ nói rằng “Cái ông đang nói và đang sống là chân lý vô điều kiện, song không phải cho chúng tôi, bởi chúng tôi phải giúp cho những người không tiến bộ trọn vẹn được như ông”. Các bạn hiểu mánh khóe họ dùng chứ? Ta tự hỏi tại sao thế giới Tây phương, hay vài người Tây phương đến Ấn, theo chân những vị guru này, được khai tâm – hay bất cứ thứ gì có nghĩa như thế - mặc áo choàng khác nhau và nghĩ rằng họ thực sự có tín ngưỡng. Nhưng khi cởi bỏ áo choàng, ngăn họ lại và hỏi han đời sống của họ thì họ cũng chỉ như bạn và tôi
47:24 Vậy ý tưởng đi đâu đó để tìm giác ngộ, , đổi sang một cái tên tiếng Sanskrit nào đó, dường như quá là ngớ ngẩn và viển vông, chẳng hề thực tế, nhưng cả ngàn người đang làm thế. Có lẽ đó là một hình thức giải trí không có nhiều ý nghĩa. Người nói không công kích. Xin hãy hiểu cho: chúng tôi không công kích bất cứ cái gì cả, chúng ta chỉ đang quan sát, quan sát sự ngớ ngẩn của tâm thức con người, chúng ta dễ bị mắc kẹt, cả tin làm sao!
48:27 Thế nên một tâm trí tôn giáo một tâm trí căn cứ trên sự thực, nó đối xử với những thực kiện. Thực kiện tức là cái thực sự đang diễn ra, ở ngoại giới và nội tâm. Ngoại giới là sự biểu lộ của nội tâm, không hề có sự phân chia nào giữa bên ngoài và bên trong – để đi sâu thì rất tốn thời gian. Vậy đời sống tu hành là một đời sống có trật tự, siêng năng, đối xử với cái đang thực sự diễn ra trong chính mình mà không hề có ảo tưởng, để rồi ta sống một đời sống đạo đức, có trật tự. Khi điều đó được thiết lập một cách vững vàng, thì chúng ta có thể bắt đầu truy vấn thiền là gì.
49:48 Có lẽ từ đó không hiện hữu khoảng 20 năm hay 30 năm về trước ở thế giới phương Tây. Những guru phương Đông đã đem nó qua đây. Có thiền Tây Tạng, thiền Zen, thiền Ấn giáo, loại thiền đặc thù của vị guru cá biệt, thiền của yoga, ngồi bắt chéo chân, hít thở, các bạn biết đấy, đủ loại. Tất cả cái đó được gọi tên là thiền. Chúng tôi không bôi nhọ những người làm điều này. Chúng tôi chỉ đang vạch ra rằng thiền đã thành ra ngớ ngẩn như thế nào! Thế giới Cơ đốc tin vào sự trầm tư, chiêm niệm - contemplation, hiến dâng bản thân theo ý Chúa, ơn chúa… Họ cũng giống y như ở thế giới Đông phương, chỉ khác là họ sử dụng những từ ngữ khác bằng tiếng Sanskrit, nhưng nó giống nhau: con người tìm kiếm thứ an toàn, hạnh phúc, bình an vĩnh cửu nào đó, nhưng không tìm nó trên trái đất, hy vọng nó tồn tại ở đâu đó, sự tìm kiếm tuyệt vọng điều gì đó bất hoại. Đây là cuộc tìm kiếm của loài người từ vô thỉ thời gian. Những người Ai Cập cổ, người Hindu cổ, Phật tử... và một số người Cơ Đốc cũng đã đi theo.
52:37 Vậy hãy cùng nhau xem xét kỹ càng, đi vào thật sâu xem thiền là gì và có bất cứ điều gì được gọi là thiêng liêng, thần thánh hay không – không phải điều mà tư tưởng hư cấu là thần thánh, cái đó chẳng thần thánh gì, cái tư tưởng tạo ra không hề thần thánh, không linh thiêng gì cả bởi nó dựa trên kiến thức, và kiến thức thì bất toàn, và bất cứ điều gì tư tưởng chế ra, làm sao điều đó có thể thiêng liêng được? Tuy nhiên chúng ta thờ phụng cái đã được tư tưởng phát minh ra trên khắp thế giới.
53:37 Vậy cùng nhau, đã thiết lập, một số thì một phần, số khác thì trọn vẹn, hoàn toàn trật tự trong đời sống của họ, trong lối cư xử của họ, trong đó không có mâu thuẫn bất cứ điều gì, đã thiết lập điều đó, và chối bỏ, bác bỏ hoàn toàn, tất cả những hình thức của thiền, những hệ thống của họ, sự thực hành của họ, bởi khi bạn thực hành, bạn sẽ lặp đi lặp lại mãi, giống như một người chơi piano, nếu anh ta thực hành, anh ta có thể sẽ đánh nốt sai. Vậy thật dễ thuận theo một khuôn mẫu, tuân theo một điều gì từ ai đó đã nói rằng sẽ giúp bạn đạt tới trạng thái cao nhất của bất cứ thứ gì. Thế là bạn thực hành, bạn chấp nhận những hệ thống bởi vì bạn muốn đạt được điều gì đó khác hơn là “cái đang là”.
55:03 Giờ chúng ta sẽ nói cái ngược lại. Không hề có hệ thống, thực hành, chỉ có sự lĩnh hội sáng suốt của tâm trí tự do, không phương hướng, không chọn lựa, mà tự do để quan sát. Phần lớn các phép thiền có vấn đề, là sẽ điều khiển tư tưởng. Người thực hành thì khác biệt với cái anh ta đang thực hành. Tôi hy vọng các bạn đang theo sát đầy đủ nếu nó thu hút bạn. Vậy là phần lớn pháp thiền, dù là thiền Zen, thiền Ấn giáo, Phật giáo, Cơ đốc, hay vị guru mới đây, là kiểm soát ý nghĩ của bạn, bởi vì qua kiểm soát bạn sẽ tập trung, bạn đem toàn bộ sinh lực của mình vào một điểm cụ thể. Tức là tập trung. Cái đó có một người kiểm soát khác biệt với cái được kiểm soát. Các bạn có theo dõi toàn bộ chỗ này không? Tức là người kiểm soát là quá khứ, vẫn là tư tưởng, vẫn là kí ức, và cái mà anh ta đang kiểm soát thì vẫn là tư tưởng đang lơ đễnh, lan man, vậy là có xung đột. Các bạn đang ngồi lặng im và tư tưởng đi hoang, bạn muốn tập trung, giống như cậu học sinh nhìn ra ngoài cửa sổ và giáo viên nhắc nhở, “Đừng nhìn ra ngoài cửa sổ, hãy tập trung vào sách của mình”. Chúng ta cũng làm y như thế. Vậy ta phải học sự kiện người kiểm soát là cái được kiểm soát. Như thế có được rõ ràng không? Có phải giải thích chỗ này từng bước một không? Tức là – tôi sẽ giải thích,
57:57 người kiểm soát, người suy nghĩ, người kinh nghiệm, chúng ta nghĩ là khác với cái được kiểm soát, khác với chuyển động của tư tưởng, khác với người kinh nghiệm và cái được kinh nghiệm, chúng ta nghĩ hai cái này là những chuyển động khác nhau. Nhưng nếu bạn quan sát thật kĩ thì người suy nghĩ chính là tư tưởng. Tư tưởng đã tạo ra người suy nghĩ tách biệt với suy nghĩ, cái mà nói rằng, “tôi phải kiểm soát”. Các bạn theo dõi tất cả chứ? Điều này rất logic, đúng mực. Vậy khi người kiểm soát là cái được kiểm soát thì bạn loại trừ hoàn toàn sự xung đột. Xung đột tồn tại chỉ khi có sự phân chia. Giữa các bạn và người Đức, giữa người Do Thái và người A-Rập. Nơi nào có sự phân chia thuộc xã hội, kinh tế hay lòng tự tôn dân tộc thì nơi đó hẳn phải có xung đột. . Về mặt nội tâm, chỗ nào có sự phân chia giữa người quan sát, người chứng kiến, người kinh nghiệm là khác với cái được kinh nghiệm thì chỗ đó phải có xung đột. Và đời sống của chúng ta xung đột bởi chúng ta sống với sự phân chia này. Tuy nhiên sự phân chia này là ảo tưởng giả ngụy, là không thật, nó trở thành thói quen của chúng ta, văn hóa của chúng ta, là kiểm soát. Chúng ta không bao giờ thấy ra người kiểm soát là cái bị kiểm soát. Phải không? Các bạn hiểu chỗ này cả chứ?
1:00:02 Vậy khi ta thấy rõ điều đó, không phải trên ngôn từ, không phải duy tâm, không như một trạng thái không tưởng mà bạn phải đấu tranh cho nó, song quan sát nó thực sự trong đời sống của mình rằng kẻ kiểm soát chính là cái bị kiểm soát, người tư duy chính là suy nghĩ, rồi thì toàn bộ mô hình suy nghĩ của chúng ta trải qua đổi thay tận gốc bởi vì không hề còn có xung đột. Và đó là điều hoàn toàn cần thiết nếu bạn hành thiền, bởi thiền đòi hỏi một thức tâm trắc ẩn cao độ. Và do đó hết sức thông tuệ, cái thông tuệ thoát thai từ tình yêu, không phải từ sự suy tư trí trá.
1:01:19 Vậy thiền có nghĩa là thiết lập được trật tự trong đời sống hàng ngày, trong ấy không hề có mâu thuẫn. Rồi thì bỏ hết toàn bộ những hệ thống, những phép thiền, tất cả, bởi vì tâm thức phải tự do hoàn toàn, vô phương hướng, và nó cũng có nghĩa là một tâm thức tĩnh lặng hoàn toàn. Điều đó khả dĩ không? Bởi vì chúng ta cứ huyên thuyên không ngớt, lúc các bạn rời khỏi chốn này, tôi biết là các bạn sẽ bắt đầu huyên thuyên. Vậy tâm thức của chúng ta bận rộn không ngừng, huyên thuyên, suy nghĩ, đấu tranh, và thế thì không hề có khoảng trống. Khoảng không là thiết yếu để có sự tĩnh lặng. Vì tâm thức nào cứ thực hành, đấu tranh, muốn tĩnh lặng thì không bao giờ tĩnh lặng. Nhưng khi nó thấy rằng sự tĩnh lặng là tuyệt đối cần thiết, không phải là thứ tĩnh lặng được tư tưởng phóng chiếu, không phải khoảng lặng giữa hai nốt nhạc, giữa hai tiếng ồn, giữa hai cuộc chiến, mà là sự tĩnh lặng của trật tự. Và khi có có tĩnh lặng hoàn toàn – không phải thứ tĩnh lặng tu tập được mà hầu hết các phép thiền cố làm: tu tập tĩnh lặng. Tức là trau dồi tư tưởng, thứ không bao giờ tĩnh lặng. Không rõ các bạn có thấy sự ngớ ngẩn của nó hay không? Thế nên khi có tĩnh lặng thì ta khám phá – xin lỗi, ta không khám phá – trong sự tĩnh lặng đó, chân lý, chỗ không đường đến, hiện hữu. Chân lý khi ấy là phi thời, là linh thiêng, không thể bị mục nát. Cái đó là thiền, cái đó là đạo tâm vậy.
1:05:09 BẢN QUYỀN PHỤ ĐỀ, 1981 KRISHNAMURTI FOUNDATION TRUST LTD